Bài này tôi sẽ đi sâu vào cách phát hiện tín hiệu đảo chiều và cách nhận biết sự phân kỳ của RSI. Có rất nhiều câu hỏi lẽ ra cần phải giải quyết trước khi đi thẳng vào vấn đề nhận biết đảo chiều bằng phân kỳ như thế nào? Đại loại như: Cái gì xảy ra bên trong sự phân kỳ? Vì sao phân kỳ thì lại kết luận giá đảo chiều?…Nhưng tôi sẽ không trả lời những câu hỏi đó ở đây. Nó quá hàn lâm. Tôi nói luôn về dấu hiệu nhận biết bằng những ví dụ là kinh nghiệm thực chiến của tôi. Anh em hoàn toàn có thể áp dụng. Một cái hay khác nữa, sau một thời gian áp dụng, anh em tự dưng sẽ suy ra được ý nghĩa cho tất cả những thắc mắc khác. (nếu anh em đủ tư duy logic :))
RSI: Đỉnh cao hơn – đáy cao hơn / Đỉnh thấp hơn – đáy thấp hơn
Tôi chưa so sánh với giá gì cả, ở đây tôi muốn anh em xác định trước cái quan trọng đầu tiên: Đó là RSI đang hướng lên hay hướng xuống.
Như cái tiêu đề in đậm tôi nhấn mạnh. Anh em chỉ cần xem trong khung thời gian mà anh em lựa chọn, quan sát cách mà đường RSI di chuyển. Trong lúc đó, anh em trả lời những câu hỏi sau: RSI tạo điểm cao hơn điểm trước đó không? RSI tạo đáy cao hơn đáy trước đó không? Nếu cả hai câu trả lời đều CÓ. Anh em kết luận: RSI đang có xu hướng lên tạm thời. Lý tưởng là như vậy, nhưng trong một xu hướng lên, tôi quan tâm tới việc đáy sau có cao hơn đáy trước không nhiều hơn là vị trí của đỉnh.
Tương tự như thế, anh em quan sát RSI và xem xét RSI có tạo đỉnh mới thấp hơn VÀ đáy mới thấp hơn không. Nếu có, anh em kết luận RSI đang có xu hướng xuống tạm thời. Lý tưởng là như vậy, nhưng trong một xu hướng giảm, tôi quan tâm đến việc đỉnh sau có thấp hơn đỉnh trước không nhiều hơn là vị trí của đáy.
Anh em cũng đừng hiểu lầm rằng: RSI xu hướng lên thì giá lên, RSI xu hướng xuống thì giá xuống. Hiểu vậy là phiến diện và dễ chết. Xu hướng của RSI không đơn giản thế. Và cũng chính vì nó không đơn giản nên chúng ta có tín hiệu phân kỳ.
Tôi không phải là chuyên gia gì, một số thuật ngữ tôi học được sau khi tôi hiểu ra vấn đề. Nghĩa là tôi đã chưa biết cách gọi tên chúng thế nào (bây giờ thì biết rồi). Thế nên, có sai sót gì anh em cứ mạnh dạn góp ý và phản biện bằng comment.
Phân kỳ thông thường
Sau khi đã xác định được RSI đang có xu hướng lên hay xuống, anh em bắt đầu so sánh nó với giá. So sánh với giá là đối chiếu giá tương ứng tại các điểm RSI và xem xét giá có xu hướng lên hay xuống. Như tôi có nói anh em ở phần một, giá là sự đồng thuận tạm thời giữa bên mua và bên bán, là kết quả thể hiện ra bên ngoài của cuộc chiến giữa lực mua và bán bên trong. RSI chính là là chỉ số giúp anh em hình dung sự tương quan giữa lực mua và lực bán đó. Và trong tất cả những ví dụ của bài này, tôi không đề cập đến margin, anh em có thể tự suy ra mà áp dụng.
Ở phân kỳ thông thường, anh em sẽ gặp trường hợp và sẽ hành động như sau:
Chia vốn vào lệnh mua khi RSI tạo phân kỳ thường
Vừa rồi BTC có một đợt bão đáng kinh ngạc khi khi từ 12kxxx xuống đến 6k. Anh em nào đu đỉnh thì tôi không nói, nhưng anh em nào còn tiền thì đây quả là cơ hội lớn để vào lệnh. Hình trên anh em để ý một chút sẽ thấy tín hiệu phân kỳ mà RSI mang lại đáng tin cậy như thế nào. Tôi chọn biểu đồ hình thanh (bar) để anh em thấy rõ giá đáy thay vì thấy cọng râu ở biểu đồ hình nến.
Chiến thuật chơi của tôi những lúc như thế này là, chia vốn mua tại điểm 2, vì tôi nhận thấy điểm 2 đã bắt đầu cao hơn điểm 1, vẫn còn tiền tôi lại tiếp tục mua thêm tại điểm 3 và điểm 4. Anh em thấy, chúng ta rất khó bắt chính xác đáy, nhưng một chút kỹ thuật cùng với quản lý vốn thì anh em có thể mua được giá rất tốt tại vùng mua.
Vì sao RSI tạo đáy cao hơn (nghĩa là đang xu hướng tăng) nhưng giá vẫn tạo đáy thấp hơn? Tôi lý luận thế này, RSI đã cho thấy lực bán đang yếu dần, lực mua đang tăng dần, thế nhưng lực mua tăng chưa đủ mạnh để thắng hoàn toàn lực bán (mà anh em hay hình dung là cuộc chiến giữa bò và gấu) thế nên kết quả là giá thể hiện ra bên ngoài chưa được rõ ràng và giá vẫn thấp hơn. Chính sự lệch pha đó là bản chất của phân kỳ thường. Bởi vì chúng ta đang mua cái sắp tăng nên biết rằng khi bên mua thắng hoàn toàn bên bán, chúng ta sẽ có lời.
Vào lệnh bán dần khi RSI tạo phân kỳ thường
Chúng ta sẽ vào lệnh bán khi phát hiện RSI tạo đỉnh thấp hơn dù giá vẫn đạt đỉnh cao hơn. Khi đó chúng ta biết giá khó mà tăng cao hơn được nữa. Ở ví dụ này, tôi chỉ có thể kết luận giá khó mà tăng cao được nữa chứ tôi không kết luận sẽ xuất hiện bão sau 19k , vì khi đó cần nhiều yếu tố khác không chỉ RSI.
Vì sao RSI tạo đỉnh thấp hơn mà giá vẫn có thể cao hơn được? Điều này cũng được lý luận như cách tôi đã nói ở trên về việc đáy RSI tạo đáy cao hơn mà giá vẫn giảm, chỉ ngược cách nói lại thôi. RSI tạo đỉnh thấp hơn đồng nghĩa với lực mua đang giảm dần, lực bán đang tăng dần. Dầu vậy lực bán vẫn chưa đủ mạnh để thắng hoàn toàn nên giá vẫn đi thêm một đoạn nữa. Khi đó chúng ta bán là bán cái mà chúng ta biết khả năng rất cao là nó sắp giảm.
Anh em hình dung vấn đề này như một chiếc xe đang chạy với tốc độ cao, muốn xe dừng lại thì lực phanh tăng dần nhưng xe vẫn còn đi xa một đoạn nữa trước khi lực phanh thắng hoàn toàn và xe dừng hẳn. Trong lúc này, có thể hiểu RSI phân kỳ là đang thể hiện mối tương quan giữa quán tính của xe và lực phanh của thắng xe vậy (dành cho anh em nào hiểu về vật lý).
Nguyên tắc của tôi: Mua tại điểm thứ 2, thứ 3 cao hơn, bán tại điểm thứ 2, thứ 3 thấp hơn
Tôi gọi những nguyên tắc trên là phân kỳ thường của vì tôi muốn phân biệt nó với phân kỳ kín (thuật ngữ này đã có sẵn). Tôi muốn chia sẻ mẹo nhỏ của tôi khi sử dụng phân kỳ thường để vào lệnh. Tôi rất thích lướt sóng ngắn (chỉ với BTC/USDT) nên tôi luôn quan sát sự phân kỳ và tìm kiếm nó trong nhiều khung thời gian khác nhau, thấy ngon ăn là tôi chia vốn để vào lệnh.
Đây là một diễn biến gần đây, tôi vào lệnh và chốt khi đang viết hai bài về RSI này:
Anh em sẽ thấy RSI phân kỳ cho chúng ta định hướng lên kế hoạch rõ ràng. Ví dụ này cho anh em thấy nguyên tắc mà tôi muốn trình bày. Mua tại đáy 2, 3 cao hơn và chốt tại đỉnh 2, 3 thấp hơn là như vậy.
Tôi ví dụ cho anh em xem một lần tôi lướt sóng siêu ngắn:
Ví dụ trên tôi kết hợp với parallel channel nhưng có vẻ nó không chạm được đỉnh. Thực ra sau đó BTC vẫn tăng, nhưng ngay lúc đó tôi chọn giải pháp an toàn là bán bớt (chứ không bán hết). Tùy cơ ứng biến rất quan trọng, anh em phải quyết định nhanh và phải có lợi nhất cho túi tiền của chính mình.
Một ví dụ khác, lần này RSI đi đúng theo parallel channel. Tôi quan sát chart H2 cặp BTC/USDT sàn BFX, nhận thấy RSI đang đi trong mô hình parallel channel như sau:
Trong chart này có rất nhiều yếu tố để nói, nhưng ở đây tôi chỉ lưu ý minh họa cho anh em mô hình parallel channel mà RSI đang di chuyển. Tôi canh các điểm 2, 3 để chia vốn mua vào, thậm chí trước đó tôi đã mua được ở 1 (tức 10k1), nhưng với anh em nào chia có kinh nghiệm nhiều có thể mua ở điểm 2, điểm 3. Tôi canh theo đường thẳng song song và chốt lần lượt tại điểm 2 và điểm 3 của đường kháng cự. Nếu anh em để ý, sau điểm 3 còn một điểm khác thấp hơn để chốt. Nhưng để an toàn, anh em có thể chốt dần để đảm bảo túi tiền cho mình.
Những ví dụ trên đa phần tôi lấy từ kinh nghiệm lướt sóng ngắn của cá nhân. Thực ra nếu tôi thấy diễn biến của thị trường tốt, tôi vẫn giữ lệnh lâu hơn mà không bán. Giữ đến nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần. Thế nhưng để có được giá ngon như vậy, anh em trước sau gì cũng phải xem hết từ khung thời gian lớn đến nhỏ.
Trong mùa uptrend, anh em chỉ cần bắt được giá tốt và giữ lệnh đồng thời quan sát chart D1, W1 để canh chốt. Trong mùa downtrend, anh em cần nhanh chóng thoát lệnh khi có dấu hiệu không tăng nổi.
Vấn đề về khung thời gian trong tín hiệu phân kỳ
Vấn đề này không phải chỉ với RSI mà là với tất cả những yếu tố phân tích kỹ thuật khác. Nhiều anh em thường hỏi tôi chọn khung thời gian nào để chơi. Cơ mà anh em hỏi như vậy là chưa hiểu về lướt sóng. Giả sử anh em lướt chart 15m, thì anh em cũng cần biết xu hướng của 30m, H1, H4, D1, W1…Nghĩa là tôi xem tất cả các Chart.
Anh em có thể thấy RSI tạo đáy sâu hơn ở H4, nhưng H1 thì đang có xu hướng lên, 15m thì lại thấy đang xuống. ..Những lúc như thế, anh em phải mở rộng cái chart ra để có cái nhìn toàn diện nhất. Nên nhớ xu hướng lớn hơn mới là xu hướng chính, những xu hướng ở khung giờ nhỏ hơn chỉ là tạm thời.
Giả sử, anh em thấy xu hướng tăng ở tín hiệu 15m nhưng H4 báo hiệu giảm, anh em không thể giữ lệnh quá lâu. Còn tốt hơn đừng lướt sóng quá ngắn. Tốn phí cho sàn.
Thế nên, nếu anh em muốn bắt được đáy ở khung D1, anh em phải xem bên trong D1 diễn biến thế nào bằng cách xem H4, xem bên trong thanh H4 diễn biến thế nào bằng cách xem các khung giờ nhỏ hơn như H1, 30m, 15m, 5m…
Việc chốt cũng vậy, khi anh em thấy D1 đã đến lúc chốt. Để tối ưu hóa giá hời nhất, anh cần xem bên trong D1 diễn biến thế nào với các khung giờ nhỏ hơn.
Từ đó, anh em áp dụng những vấn đề về RSI như tôi đã trình bày, và chọn cho mình điểm vào/điểm ra tốt nhất. Đó mới là tiến trình cần phải làm.
Những lưu ý khác
Một vài những lưu ý khác mà tôi vẫn muốn nhắc lại.
- Tôi không sử dụng chỉ một chỉ báo RSI, nhưng hệ thống trade của tôi kết hợp nhiều yếu tố khác như MACD-H, Fibo, storch, BB, SMA, Volumn…Trong giới hạn của một bài viết, tôi không thể trình bày hết được
- Không phải lúc nào mọi thứ đều hoạt động hiệu quả như những ví dụ mà tôi nêu ra, nên cho dù anh em có một tín hiệu đảm bảo thế nào đi nữa, anh em vẫn cần tuân thủ kỷ luật trade trong quản lý vốn và cắt lỗ.
- Tôi không bao giờ vào lệnh mà không xem xét xu hướng lớn hiện tại của BTC, xu hướng luôn là bạn – như mọi cuốn sách dạy trade mà anh em vẫn đọc. Đi ngược xu hướng anh em chỉ có thua.
- Trong tất cả các ví dụ của bài viết, tôi không đề cập đến Margin với các lệnh Long hay Short (và tôi cũng không khuyến khích anh em margin nếu thiếu kinh nghiệm), tuy nhiên hoàn toàn có thể áp dụng để vào lệnh.
- Tôi lựa chọn sàn BFX (Bitfinex) vì đây là chỗ có khối lượng giao dịch lớn, tính thanh khoản cao. Ở đâu có tính thanh khoản cao thì ở đó các chỉ số kỹ thuật được thể hiện rõ ràng và chính xác nhất, ngoài ra đây cũng là sàn dẫn đầu xu hướng giá BTC chung. Nếu anh em trade sàn khác như Binance, Bittrex mà xem các khung thời gian nhỏ thì không chính xác được đâu.
Nếu lỡ kèo rồi thì làm gì
Tín hiệu phân kỳ thường của RSI giúp anh em nhận biết sự đảo chiều của giá. Thế nhưng nếu anh em vì lý nào đó đã không bắt được đáy, mà giá đã vào uptrend, anh em sẽ làm gì để vào lệnh lại? Câu trả lời giúp anh em nằm ở tín hiệu phân kỳ kín của RSI.
Nếu phân kỳ thường giúp anh em phát hiện đảo chiều, thì phân kỳ kín giúp anh em phát hiện điểm vào lại khi xu hướng còn tiếp diễn.
Mmoers.com