Shark Daymond John, sinh năm 1969, là một trong những “cá mập” xuất hiện đầu tiên trên sóng Shark Tank Mỹ, chương trình được khởi động từ 2009. Ông là nhà sáng lập và người điều hành FUBU – một hãng thời trang mang phong cách hip hop. Ở thời điểm hiện tại, FUBU đang đạt mức doanh số 6 tỉ USD trên toàn cầu.
Trong cuộc giao lưu với các startup Việt tổ chức cách đây không đâu, khi một cá nhân đặt câu hỏi xem startup nên làm thế nào để không “chết” trong 3 năm khởi đầu, Shark Daymond John đã nhanh nhẹn đáp rằng bí quyết là “hãy tập trung vào những điều mà bạn có thể làm được.
“Lý do số 1 mà các startup thất bại đó là: Có quá nhiều tiền”, ông nhấn mạnh.
Trong quan điểm của vị cá mập đến từ Mỹ, khi đi vay tiền để mở công ty, bạn thường không giải quyết được vấn đề gì cả, thậm chí dễ bị người khác lợi dụng và mắc sai lầm khi ra quyết định. Thay vào đó, nếu startup không có gì trong tay, họ sẽ có thể kiếm tiền dần dần và xây dựng từ từ, rồi sẽ đến ngày bắt kịp với tiến độ kinh doanh.
Shark Daymond John gợi ý mọi người nhìn thẳng vào thực tế: “Những người nổi tiếng, những vận động viên họ đều cạn túi trong vòng 3 năm sau khi bắt đầu kiếm được tiền. Tại sao? Vì họ không biết cách vận hành của đồng tiền.
Khi nhìn vào những nhân vật giàu có trên thế giới, 65-70% bắt đầu từ con số 0, họ xây dựng cộng đồng và dần dần sống sót”.
Shark Daymond John (ngồi giữa) trong dàn cá mập của Shark Tank Mỹ.
Chủ thương hiệu FUBU thừa nhận ở một đất nước như Việt Nam, nơi mà nhiều nguồn lực còn hạn chế, thật khó để thành công nhưng điều đầu tiên startup cần phải ghi nhớ là hãy bắt đầu từ con số 0.
“Để thành công, tôi đã bắt đầu từ con số 0, không có bằng cấp, không có gia đình hỗ trợ, lại là người da màu. Nhưng đó là điều giúp tôi trở thành tôi ngày hôm nay”.
Shark Daymond John cũng tiết lộ khoảng thời gian làm startup, trong vòng 5 năm đầu tiên, ông cùng lúc làm 2 công việc: 12 tiếng/ngày làm bồi bàn tại nhà hàng và 8 tiếng làm việc cho FUBU.Trong suốt 5 năm, ông chỉ ngủ có 4 tiếng/ngày. Lý do là lương từ công việc bồi bàn sẽ giúp ông thanh toán các hóa đơn, trả tiền thuê nhà.
Sau này khi startup ổn định, Daymond John mới chuyển dần sang 8 tiếng làm bồi bàn, 12 tiếng làm việc cho FUBU.
Trong cuốn sách với tựa đề “Sức mạnh của sự túng quẫn”, Daymond John từng thừa nhận sức mạnh của sự túng quẫn có thể là lợi thế cạnh tranh lớn nhất của một doanh nhân.
Tại sao? Bởi vì bắt đầu kinh doanh từ con số 0 sẽ buộc bạn phải suy nghĩ sáng tạo hơn. Nó buộc bạn phải sử dụng tài nguyên của mình hiệu quả hơn. Nó buộc bạn phải kết nối với khách hàng của mình một cách xác thực nhất có thể, đồng thời phải thành thật với chính mình, tập trung vào mục tiêu và đưa ra những giải pháp sáng tạo để có thể tạo ra một dấu ấn đầy ý nghĩa..
“Những người nói bạn hãy vay tiền hoặc bán nhà đi để khởi nghiệp đều đang sai lầm. Startup chỉ phát triển bền vững khi họ đi từng bước và làm những điều trong khả năng của mình. Giống như việc đánh bạc, bạn có biết trò BlackJack không? Nếu tôi không có đủ nguồn lực đáp ứng, tôi sẽ không cược mạo hiểm cả 1.000 USD trong lần đầu mà tôi sẽ chơi 1.000 lần, mỗi lần chỉ cược 1 USD”, ông chia sẻ.
Đối với việc đầu tư vào startup Việt, Daymond John thừa nhận luôn tìm kiếm các cơ hội đầu tư tại Việt Nam nhưng điều này phụ thuộc nhiều vào khả năng điều hành của các doanh nhân tại các doanh nghiệp. “Đó là điều quan trọng nhất, quan trọng hơn cả những cơ hội”.