Nếu được hỏi về ai là nhà đầu cơ vĩ đại nhất mọi thời đại, không quá khó để trả lời: Jesse Livermore. Ông được mệnh danh là con gấu vĩ đại của Phố Wall khi kiếm được 100 triệu đôla vào thời điểm sụp đổ năm 1929. Nhưng nếu xét về tiền bạc, Jesse Livermore không phải là người vĩ đại nhất vì ông chưa chắc là người đã kiếm được nhiều tiền nhất. Sự vĩ đại của Livermore là hệ thống theo sau xu hướng mà ông để lại cho hậu thế. Jesse Livermore là người đầu tiên có thể nói cho mọi người biết làm thế nào để trở thành một nhà giao dịch thành công bằng con đường quản trị rủi ro và kiểm soát tâm lý. William O’Neil, Paul Turdor Jones, Mark Minervini, David Ryan…hàng loạt nhà giao dịch lừng lẫy về sau đều học tập phương pháp của Jesse Livermore.
Số đông các nhà đầu tư biết đến Jesse Livermore qua cuốn sách “Hồi Ức của Một Thiên Tài Chứng Khoán” của Edwin Lefevre. Cuốn sách này đã trải qua sự kiểm chứng của thời gian vì nó giải thích niềm tin thực sựnằm bên trong trái tim của nhà đầu tư vĩ đại Jesse Livermore.
Học cách chấp nhận thua lỗ.
Để trở thành một nhà giao dịch thành công bạn phải biết cách thua lỗ? Nghe thì thật vô lý phải không nào! Nhưng đó là sự thực. Các nhà giao dịch vĩ đại thường có số giao dịch lỗ nhiều hơn số giao dịch lãi.
Bản năng con người thường ghét thua lỗ. Nhưng Jesse Livermore đã học cách “chấp nhận sự thua lỗ”. Livermore nói:
“Thua lỗ chưa bao giờ là vấn đề của tôi. Tôi chưa bao giờ cảm thấy lo lắng khi gặp phải một khoản lỗ. Sau giấc ngủ ngon vào mỗi tối, tôi quên béng khoản lỗ hôm qua. Việc không chấp nhận thua lỗ là một sai lầm vì nó sẽ làm tổn hại đến túi tiền và tinh thần của bạn.”
Đây chính là niềm tin thực sự bên trong con người Jesse Livermore để trở thành một giao dịch thành công: Đừng bao giờ mua thêm cổ phiếu cho các vị thế lỗ, cắt lỗ sớm và để cho lãi chạy.
Tầm ảnh hưởng của tư duy này tác động rất nhiều đến các nhà giao dịch nổi tiếng sau này. Paul Tudor Jones đã treo ngay dòng chữ “Losers Average Losers (chỉ có nhà đầu cơ thua lỗ mới bình quân giá xuống) ngay trên bàn làm giao dịch để nhắc nhở chính bản thân mình
Livermore nhận ra nhiều lần thất bại vì phá vỡ quy tắc này. Ông nói: “Thật điên rồ khi tiếp mua thêm cổ phiếu nếu như lượt giao dịch đầu tiên đang bị lỗ. Đừng bao giờ bình quân giá xuống. Hãy gột rửa sạch tư tưởng này trong đầu bạn.”
Tầm quan trọng về việc hiểu được “bối cảnh thị trường chung (general condition)
“Đọc hành động giá tất nhiên là một kỹ năng quan trọng của cuộc chơi. Chúng ta phải biết mua đúng lúc, phải biết giữ chặt cổ phiếu khi đúng. Nhưng phát hiện vĩ đại nhất của tôi là phải nghiên cứu về bối cảnh thị trường chung, để khai thác xu hướng đó cho đến nó vẫn còn có thể dự đoán được”
Không nhiều người nhận ra diều này, nhưng Livermore thuần túy là “nhà phân tích vĩ mô toàn cầu”. “Phát hiện vĩ đại của ông” là tầm quan trọng của bối cảnh vĩ mô hay cái ông gọi là “điều kiện thị trường chung.”
Vài thập niên sau, Steve Cohen, một nhà quản lý quỹ huyền thoại đã nói: “ 40% chuyển động giá cổ phiếu là do thị trường chung, 30% là do ngành và chỉ 30% là do nội tại của cổ phiếu đó.”
Sau khi tìm ra phát hiện vĩ đại này, Livermore nói: “Tôi bắt đầu nghiên cứu nhiều về điều kiện thị trường chung thay vì từng cổ phiếu cụ thể. Tôi hứa phải đưa bản thân mình lên trình độ cao hơn của nghề đầu cơ. Đó là một quá trình lâu dài và gian nan.”
Trong khi mọi người loay loay và mất tiền vì cái trò “chọn cổ phiếu”, Livermore lại tập trung nghiên cứu “bối cảnh thị trường chung”. Ông đơn giản hiểu rằng, muốn chiến thắng thì phải mua trong thị trường tăng giá và bán trong thị trường giảm giá.
Ông nói: “Tôi rõ ràng đã kiếm được 3 triệu đôla vào năm 1916 bằng cách mua cho tới khi nào thị trường tăng giá vẫn còn tồn tại và sau đó bắt đầu bán khi thị trường con gấu bắt đầu hình thành.“
Trong phương pháp CANSLIM của William O’Neil, chữ M (Market) tức thị trường chung cũng là yếu tố quan trọng nhất. O’Neil cũng học hỏi từ Jesse Livermore. Phát hiện của O’Neil là 75% cổ phiếu sẽ di chuyển theo hướng của thị trường chung.
Kiên nhẫn và sự nguy hiểm của giao dịch quá mức
“Chúng ta kiếm tiền bằng cách kiên nhẫn chờ đợi, chứ không phải giao dịch” là câu nói nổi tiếng của Jesse Livermore cho thấy tầm quan trọng của sự kiên nhẫn.
Livermore cho rằng: khi mở một vị thế giao dịch, thà mua muộn một chút còn hơn là mua sớm. “Đừng hành động cho đến khi thị trường và hành động giá xác nhận quan điểm của bạn.” Thà tham gia muộn để bảo đảm quan điểm của bạn là đúng còn hơn vào sớm mà sai. Nói cách khác. Đừng làm nhà giao dịch mất kiên nhẫn..
“Chỉ có kẻ ngốc mới cố gắng kiếm tiền hàng ngày từ chứng khoán” là lời cánh báo về sự nguy hiểm của giao dịch quá mức.
Hãy nhớ: Khi bạn không làm gì cả, những nhà đầu cơ mất kiên nhẫn và cảm thấy phải giao dịch mỗi ngày, họ đang đặt nền tảng cho thành công của bạn. Những người kiên nhẫn sẽ lấy tiền từ những người mất kiên nhẫn và giao dịch quá mức.
Hành động giá và mức kháng cự yếu nhất (điểm pivot)
Jesse Livermore là người giỏi nhất về đọc hành động giá. Sau nhiều năm nghiên cứu hành động giá, ông giống như có một giác quan thứ 6 về diễn biến của thị trường.
Một trong những khái niệm để đời của Jesse Livremore chính là “Điểm kháng cự yếu nhất” hay “điểm pivot”mà ông trình bày trong cuốn sách “How To Trade in Stock“.
Điểm kháng cự yếu nhất là nơi mà giá chứng khoán dễ dàng đi qua vì sức kháng cự yếu. Hay nói cách khác, chỉ cần một lực cầu nhỏ đủ để khiến giá tăng vọt. Mục tiêu của Jesse Livermore khi đọc hành động giá là phải tìm ra được điểm pivot. Một khi mua tại điểm pivot, giá cổ phiếu sẽ tăng rất nhanh và vị thế mua lập tức có lãi.
Điều đáng tiếc khi đọc cuốn sách của Livermore là ông không giải thích rõ làm thế nào để tìm ra điểm pivot. May mắn thay, Mark Minervini đã giải thích nó trong cuốn sách của ông.
Có thể nói rằng, khái niệm điểm Pivot đã ảnh hưởng đến một loạt các nhà giao dịch huyền thoại sau này như William O’Neil, David Ryan, Mark Minervini…
Kiếm nhiều tiền bằng cách ôm chặt cổ phiếu
Livermore nói: “Sau nhiều năm giao dịch trên phố Wall và kiếm hàng triệu đôla, có điều này tôi muốn nói với các bạn: Tôi chưa bao giờ nghĩ rằng mình có thể kiếm được nhiều tiền như thế. Đơn giản là tôi kiên nhẫn ôm chặt cổ phiếu khi đúng. Thế thôi! Hãy ôm cổ phiếu thật chặt!”
Mọi người ví Livermore là “Sitting Man”- (Người đàn ông ôm chặt cổ phiếu”.
Phần lớn các nhà giao dịch bình thường thường nhanh chóng chốt lãi và chậm cắt lỗ. Nhưng Livermore lại tỏ ra rất lỳ lợm ôm cổ phiếu khi đúng. Đó là bí quyết giúp ông kiếm được nhiều tiền.
Nói tóm lại, những bài học mà Livermore để lại cho chúng ta là:
- Cắt lỗ nhanh.
- Kiên nhẫn chờ đợi tín hiệu giao dịch và sự xác nhận của hành động giá. Thà mua muôn một chút mà an toàn.
- Tìm hiểu điều kiện thị trường chung. Chỉ mua trong thị trường giá lên và chỉ bán trong thị trường giá xuống.
- Hành động giá là vua. Tìm điểm kháng cự yếu nhất hay điểm pivot.
- Ôm cổ phiếu thặt chặt khi đúng.
Forex14.com