Ở bài báo cáo lần trước tại đây về NFTs là gì, chúng ta đã tìm hiểu về NFTs và có cái nhìn bao quát về “keyword” tưởng chừng phức tạp này.
Ở bài viết hôm nay, chúng ta sẽ tìm hiểu về lịch sử của nó cũng như là việc NFTs có thể giúp ích cho DeFi như thế nào.
I. Lịch sử phát triển của NFTs
Tất nhiên mọi thứ đều có lịch sử hình thành và phát triển. Hiểu rõ về lịch sử có thể sẽ không giúp chúng ta giàu luôn, nhưng ít nhất chúng ta cũng sẽ có được cái nhìn cơ bản về việc NFTs đã có quá trình phát triển như nào, và những gì nó đã đạt được, cũng như sẽ đạt được trong tương lai.
– Giai đoạn sơ khai: Trước khi CryptoKitties xuất hiện.
Từ trước khi CryptoKitties xuất hiện, trên hệ thống của Bitcoin đã bắt đầu có những “coin màu”, tức là những đồng coin chạy trên Blockchain của Bitcoin, với những đặc điểm riêng biệt. Đây có thể coin là các NFTs đầu tiên, cụ thể là Rare Pepes (những lá bài Pepes).
Dự án NFT đầu tiên được xây trên Blockchain Ethereum là CryptoPunks, bao gồm 10.000 nhân vật ảo được xây trên nền tảng ETH. Xây dựng bởi Larva Labs, CryptoPunks còn tự tạo cho mình 1 chợ giao dịch riêng để người dùng có thể mua/bán trao đổi từ ví MetaMask. Hiện tại, CryptoPunks vẫn còn hoạt động, tuy nhiên không còn nổi tiếng như các dự án mới hơn. Và nó là tiền đề cho NFT “nổi tiếng” nhất: CryptoKitties.
– Giai đoạn khởi đầu: Sự xuất hiện của CryptoKitties.
CryptoKitties vốn là dự án đầu tiên đưa NFT ra Mainstream. Ra mắt từ 2017, CryptoKitties là 1 game “mèo ảo”, với cách chơi tương tự game “gà ảo” nổi tiếng mà tất cả chúng ta đều biết.
Vậy luật chơi như thế nào? Đơn giản thôi, bạn mua/tạo 1 con “mèo ảo” trên Blockchain ETH (Định dạng ERC721). Sau đó, thông qua 1 thuật toán đặc biệt được team CryptoKitties sáng tạo ra, người chơi có thể “lai” giữa các giống mèo với nhau để tạo ra 1 NFT của mình: Một con mèo đặc biệt với 1 thuộc tính/tính cách Unique. Cho dù nhiều game thủ đã chỉ trích rằng CryptoKitties “Không thật sự giống 1 trò chơi điện tử”, thì đối với mình, team đã rất thành công và cố gắng. Đồng thời, CryptoKitties cũng đã mở đường cho hàng loạt dự án sau này follow nó, với cùng những công thức như:
– Công thức kiếm lợi nhuận rõ ràng: Quy trình kiếm profit của CryptoKitties tương đối đơn giản. Xây “mèo ảo”, “lai” chúng nó để chúng tự đẻ ra “mèo mới”, rồi sau đó bán với giá cao hơn. Lặp đi lặp lại.
Chính công thức này đã tạo ra hẳn 1 cộng đồng “nuôi mèo”: Những người dùng liên tục nuôi để cố gắng lai tạo ra giống mèo mới. Miễn là cộng đồng này còn sống, game sẽ còn sống và phát triển mạnh hơn.
Trong những thời điểm đỉnh cao nhất, CryptoKitties chứng kiến giao dịch 1 ngày trên mạng lưới lên đến 5.000ETH, thậm chí gây ra nghẽn mạng Ethereum. Những con mèo hiếm như Founder Cat #18 đã có giá 252ETH (Tầm 110.000$ tại thời điểm đó), hay tiêu biểu như con mèo Dragon, được bán với giá 170.000$. Chính việc tăng giá như vậy tạo ra lợi nhuận, thu hút nhiều người dùng đổ xô đi “nuôi mèo” kiếm lời.
– Khả năng go Viral: Một trong những thứ khiến cho CryptoKitties trở nên nổi tiếng, đồng thời khiến cho rất nhiều dự án theo sau phải bắt chước nếu muốn thành công, đó là khả năng “viral” đến với đám đông – ngoài cộng đồng Crypto. Tại sao điều này lại quan trọng? Vì đích đến cuối cùng của NFTs đó là tiếp cận được người mua – càng nhiều người mua càng tốt, không quan trọng họ có biết đến công nghệ Blockchain hay không. Và để tiếp cận đến họ, các dự án cần phải có 1 câu chuyện.
Câu chuyện của CryptoKitties đó là 1 game mèo ảo với những con mèo có giá trị hàng chục nghìn đô, số lượng người chơi lớn đến mức làm nghẽn cả mạng Ethereum. Câu chuyện này được đưa đi khắp các mặt báo, khiến cho rất nhiều người đổ xô vào tìm kiếm “mèo ảo” để kiếm lời.
– Giai đoạn xây dựng: 2018 – 2020 :
Đây là giai đoạn hầu hết Altcoins Market bước vào downtrend. Và thế là thay vì nói về những chiếc bánh vẽ với vốn hóa vài trăm triệu $, các nhà phát triển bị buộc thực sự bắt tay vào làm việc. Với NFTs, thì đó là các Layer-2 games, tức là các game được xây trên nền CryptoKitties. Ví dụ, Kitty Race cho phép bạn sử dụng mèo ảo của CryptoKitties để “đua mèo” ăn tiền. Hay chúng ta có Wrapped Kitties, cho phép biến mèo ảo (token ERC721) thành token ERC20 để trade trên DEX như Uniswap….
Ngoài ra, chúng ta cũng chứng kiến khá nhiều các dự án khác không liên quan đến gaming, như Digital Art (các tác phẩm nghệ thuật trên nền tảng số) hay Thế giới Ảo như Decentraland hay CryptoVoxels được xây dựng. Trên quan điểm cá nhân của người viết bài, thực sự NFTs đang xây dựng nên các sản phẩm thực cho người dùng sử dụng (không như 80% dự án Blockchain hiện giờ vẫn đang vật lộn tìm chỗ đứng).
Đấy là quá khứ và lịch sử của NFTs. Vậy còn tương lai thì sao? Trước khi biết đến tương lai, chúng ta phải có cái nhìn cơ bản về những điểm mạnh và điểm yếu của toàn bộ mảng công nghiệp này đã.
II. Điểm mạnh và điểm yếu của Token NFTs.
Xin được phép nhắc lại cho bạn đọc rõ, về bản chất, NFTs gần giống với các loại tài sản sưu tầm như đồ cổ, các tác phẩm mỹ thuật v.v… hơn là các loại tài sản trao đổi giá trị như Cổ phiếu, Bitcoin, Vàng… Vậy nên nó cũng có những điểm mạnh/yếu như các loại tài sản sưu tầm.
1. Điểm mạnh của NFTs :
+ Cho phép các nhà sáng tạo nội dung có 1 phương thức kiếm tiền mới. Tưởng tượng việc nhóm nhạc hay đội bóng đá/cầu thủ ưa thích của bạn có 1 sản phẩm Blockchain có thể trực tiếp bán cho bạn cho dù bạn ở Việt Nam mà xem. Nó có thể là 1 chiếc áo có chữ ký của Ronaldo, được bán cho bạn bằng xxx ETH, bạn ở Việt Nam cũng có thể mua được.
+ Khả năng tiếp cận nguồn vốn mới từ bên ngoài: Cái này nói nhiều rồi, không nói lại nhé.
+ Khả năng mua/bán trao đổi những thông tin cá nhân: Như đã đề cập ở bài viết trước, khả năng tùy biến và cá nhân hóa của NFTs khá mạnh, chính vì vậy nó có thể được sử dụng để trao đổi những thông tin cá nhân thông qua mạng lưới Blockchain.
2. Điểm yếu của NFTs :
+ Tốn RẤT nhiều thời gian để xây dựng 1 dự án/dapps cho NFTs. Blockchain thường đã mất nhiều thời gian và khó rồi, NFTs còn yêu cầu đội ngũ phát triển có khi phải tùy chỉnh tay cho từng token.
+ Cần nhiều công sức để “đơn giản hóa” kiến thức về NFTs, vì đối tượng tiếp cận nó có thể chưa có kiến thức về Blockchain nói chung.
+ Để kiếm lợi nhuận từ NFTs, bạn phải chọn được những nội dung THỰC SỰ có giá trị. Ví dụ như những dự án game hấp dẫn thì mới thu hút được người chơi —> Càng đông người chơi, vật phẩm trong game càng lên giá.
Đã biết qua điểm mạnh và điểm yếu, chúng ta sẽ bước tiếp đến phần tiếp theo: Xu hướng NFTs trong những năm tới:
III. NFTs sẽ giúp DeFi phát triển như nào?
Xuyên suốt 2 phần vừa rồi của bài viết, mình có nói đến việc các token NFT vốn được ứng dụng chủ yếu trong Gaming và các sản phẩm mang tính sưu tầm. Ví dụ trong Gaming, NFTs có thể được dùng để tạo nên những vật phẩm hiếm, bán với giá cao (Những anh em nào từng chơi game Online như Võ Lâm Truyền Kỳ hay Kiếm Thế chắc cũng hiểu rõ vấn đề này).
Tuy nhiên trong tương lai, tiềm năng của NFT là rất lớn.
Đầu tiên, NFT tạo nên khả năng để phát hành token chứng khoán. Tại sao lại như vậy? Vì với NFTs, bạn có thể “số hóa” các tài sản thật vào token, thuật ngữ chuyên ngành gọi là “token hóa” (tokenization) tài sản. Từ đất đai, và cao hơn là Chứng khoán. Đây là xu hướng SẼ diễn ra trong tương lai khi mọi thứ đều phải số hóa nhằm dễ kiểm định hơn.
Tiềm năng thứ 2 của NFT, đó là nó có khả năng cung cấp các chứng nhận sở hữu của tài sản số ĐẶC BIỆT. Ví dụ nhỏ có thể kể đến các chứng nhận bản quyền, đăng ký tháng của Apple Music, Netflix v.v… Tại sao phải mua NFTs những cái đăng ký này, trong khi bạn có thể mua sẵn? Câu trả lời đơn giản thôi, vì NFTs cho chúng ta quyền SỞ HỮU và CHUYỂN ĐỔI SỞ HỮU. Ví dụ, bạn còn nửa tháng Apple Music không cần dùng đến nữa, mà để không thì phí? Bạn có thể bán lại cho người dùng khác. Đồng thời, nó cũng mở ra 1 mảng mới nữa: Blockchain Domain. Có những công ty và dự án đang ráo riết săn lùng và đầu tư những tên miền Blockchain. Thay vì gửi nhau địa chỉ dài ngoằng 0xABCXYZ…., bạn có thể có địa chỉ đơn giản là @eth.cuongdo.
Nói cách khác công dụng và tiềm năng lớn nhất mà mình thấy của NFTs trong tương lai, chính là việc nó mang lại giá trị tài sản lên Blockchain, điều mà DeFi còn thiếu.
Nếu đọc series về DeFi của mình, cũng như tìm hiểu kỹ về nó, bạn sẽ hiểu được vấn đề hiện tại của DeFi: Các khoản nợ. Nôm na là anh A sẽ vay của anh B, rồi dùng khoản đó cho anh C vay, được đảm bảo bởi các “collateral loans”. Với kiểu nợ này, khi market sụp thì hiện tượng “sập dây chuyền” sẽ xảy ra. Và khi nợ bị sập dây chuyền, nợ xấu không trả được, mình cũng không dám nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra nữa.
Vấn đề trên nó nằm ở việc các tài sản được “lock”, được “thế chấp” trong DeFi hiện tại là các tài sản rủi ro như Token (Ví dụ NEO, ETH v.v…..) và không được coi là có giá trị thật trong con mắt nhiều nhà đầu tư. Nhưng nếu các khoản nợ trong thị trường DeFi được đảm bảo bằng tài sản mang tính chất an toàn như Bất Động Sản hay Chứng khoán (chứng khoán thực ra cũng không an toàn lắm trong mắt mình, nhưng với nhiều nhà đầu tư truyền thống thì khác), DeFi sẽ tiếp cận được khoản vốn to hơn RẤT RẤT nhiều.
Tuy nhiên đây là tương lai xa. Và đầu tư vào NFTs, là chúng ta phải đầu tư vào những dự án có thể biến tương lai đấy thành hiện thực. Trong bài viết sau, mình sẽ giới thiệu dần cho anh em những dự án NFT nổi bật để anh em theo dõi.
CryptoHub.vn