Nắm bắt được tâm lý FOMO – FUD thường thấy ở các trader, nhiều marketer đã đánh mạnh vào đó để ra sức quảng bá cho các đồng Altcoin mới và ICO. Và cứ thế, vòng quay FOMO – FUD gần như vô tận trong thị trường tiền tệ mã hóa.
FOMO là gì? FUD là gì?
Nếu những ai chưa/ đã nghe đến các thuật ngữ này mà không hiểu rõ thì nên dành ít thời gian đọc thêm các khái niệm này.
- Thứ nhất là FUD (Fear – Uncertainty – Doubt) có nghĩa là Sợ hãi – Không chắc chắn – Nghi ngờ. Điều này ám chỉ việc lo lắng, sợ hãi, và cảm thấy không chắc chắn khi gặp những thông tin được đưa lên trong cộng đồng. Ảnh hưởng đến quyết định đầu tư, mua bán, hoặc giao dịch trên các sàn giao dịch tiền điện tử.
- Thứ hai, hội chứng FOMO (Fear of missing out). Đây là hội chứng tâm lý sợ bị bỏ rơi, bỏ lỡ. Những người mắc phải hội chứng FOMO này thường có cảm xúc sợ hãi rằng bản thân sẽ bỏ lỡ một thứ gì đó.
Vòng quay FOMO – FUD không bao giờ tự nhiên sinh ra, phần lớn do những người ảnh hưởng trong cộng đồng tạo ra để làm giá trên thị trường. Điều này hoàn toàn dễ hiểu. Nhóm người phát tán FOMO là những nhà đầu tư, mong muốn lôi kéo thêm nhiều người vào để đẩy giá lên cao. Trong khi đó những người truyền bá FUD là những người đã lỡ cơ hội, mong muốn dùng thủ thuật này để kéo giá xuống gom hàng. Trong quá trình này, hai nhóm tham qua cuộc chiến tâm lý, cố gắng tạo sự chú ý từ nhà đầu tư, đặc biệt là nhóm các nhà đầu tư tìm kiếm những lời khuyên từ chuyên gia, hay những người có ảnh hưởng trong cộng đồng.
Trong cuốn Psychology Today, tiến sĩ Bobby Azarian, một nhà thần kinh học, đã giải thích rõ cách thức mà người ta đánh vào sự sợ hãi và thói tham lam của con người để đạt được lợi ích nhất định.
Azarian từng viết:
“Nếu hiểu đây là một cuộc chiến. Đấu tranh tâm lý còn gây thiệt hại nặng nề hơn hẳn. Những người truyền bá FOMO và FUD thật sự hiểu rõ những nhà đầu tư tò mò cần gì. Đa số họ đều là những người thiệt hại nặng nhất vì luôn để tâm đến những ý kiến của người khác hơn là quyết định của bản thân. Trong thế giới tiền tệ mã hóa, dành thời gian để lắng nghe ý kiến của người khác không phải là cách hay ho.”
Khi Bitcoin ngày càng đi vào đời sống, thị trường tiền tệ mã hóa cũng nở rộ. Hàng ngày, các nhà đầu tư chứng kiến nhiều loại tiền tệ mã hóa với mức tăng chóng mặt chỉ trong vài giờ. Mỗi tháng, có ít nhất 2 đến 3 đợt “Pump” lớn, gây sự chú ý lớn của cộng đồng. Ngay khi các đợt “Pump” diễn ra, thông tin được nhanh chóng phát tán trên các mạng xã hội, Facebook, Twitter, Reddit, tạo ra làn sóng mọi người đổi vào mua do sợ bị bỏ rơi (FOMO).
Với cơ chế như vậy, chỉ cần đẩy vài thông tin ảo, thị trường sẽ dậy sóng, giá tăng phi mã, làm nhà đầu tư và những công ty phát hành giàu lên nhanh chóng. Không chỉ nhà đầu tư cố gắng tạo hiệu ứng FOMO trong cộng đồng. Ngay cả những người nổi tiếng, chuyên gia tư vấn tài chính, những người mong muốn gây chú ý bằng việc dự đoán giá các loại coin, cũng phần nào đóng góp vào quá trình bơm thổi của thị trường. Nhanh chóng, giá các coin này tăng phi mã gấp vài lần, không quan trọng nó có ứng dụng thực tế gì trong cuộc sống.
Nhưng mỗi đợt “Pump” này không thể kéo dài, cho dù đồng coin tốt đến đâu, hay thông tin quan trọng ra sao, giá thường nhanh chóng đi xuống khi FUD bắt đầu được phát tán. Vòng quay FUD – FOMO đã trở thành phần khá dễ đoán của thị trường tiền tệ mã hóa. Khi thị trường nóng, FOMO nhanh chóng được phát tán. Khi có tin xấu FUD sẽ được phát tán. Rõ ràng, trong trường hợp nào thì nỗi sợ cũng là yếu tố chi phối thị trường lớn nhất.
Các tổ chức, cá nhân hay sử dụng vòng quay FOMO – FUD này như một cách thức lừa đảo tinh vi. Bọn chúng mời nạn nhân vào các buổi hội thảo, vẽ ra những công nghệ hoặc kênh đầu tư mới. Sau đó cho “chim mồi” chen nhau để mua hàng hoặc tham gia đầu tư. Các nạn nhân có tâm lý yếu, thiếu kiến thức, kinh nghiệm lập tức cảm thấy FOMO hay FUD ngay. Họ sợ lỡ mất cơ hội ngàn vàng trở thành tỷ phú, thế là vội vàng xuống tiền đầu tư, ngờ đâu đó là cái bẫy. Chiêu trò này không hẳn chỉ dành cho các trader. Họ còn sử dụng như một công cụ để cạnh tranh với các đối thủ trên thị trường.
Azarian giải thích:
“Nếu là người ngoài cuộc, vòng quay FOMO – FUD có thể là một trò giải trí đáng xem. Nhưng thật sự đây không phải là một trò chơi. Điều tưởng chừng như đơn giản này lại đem đến hậu quả tài chính nghiêm trọng đối với các nhà đầu tư.”
Bản chất con người rất dễ bị thao túng
Azarian cũng nêu lên một ví dụ rất thực tế trong những ngày gần đây, mối quan hệ hợp tác giữa IOTA và Microsoft. Trong tuần đầu tháng 12 vừa qua, giá IOTA đã tăng trưởng mạnh mẽ do thông báo từ một nhân viên Microsoft rằng Microsoft đã chính thức hoá mối quan hệ hợp tác với Quỹ IOTA Foundation. Tuy nhiên chỉ vài ngày sau đó, các trang truyền thông đã đính chính lại mối quan hệ giữa IOTA và Microsoft không phải là đối tác, mà chỉ là thành viên trong dự án của IOTA. Điều này đã khiến cho giá IOTA giảm mạnh, tới thời điểm hiện tại chỉ còn $1,63.
Một trong những vấn đề lớn đối với FOMO – FUD là khi nó dần mất, thì thật khó cho nhà đầu tư phân biệt đâu là sự thật, đâu là tin đồn. Chuyên gia tâm lý kết luận rằng các trader cần phải tập tính hoài nghi không chỉ với những tuyên bố giật gân, mà còn là những tuyên bố chưa có xác nhận rõ ràng.
Ông chia sẻ:
“Chúng ta phải biết rằng bản chất con người rất dễ bị thao túng khi sự sợ hãi trong ta bị khơi lên. Điều này ảnh hưởng nặng nề đến quyết định đầu tư của mỗi người.”
Theo tìm hiểu, trong lịch sử mấy năm qua, vòng quay FOMO – FUD từng “giết chết” thị trường tài chính thế giới nhiều lần. Điển hình là bong bóng dotcom những năm 2000 tại Mỹ. Thời điểm đó ai cũng lo sợ bản thân sẽ bỏ lỡ cơ hội đầu tư béo bở này. Họ đổ hàng đống tiền vào đó và xong, bong bóng dotcom vỡ. Nhiều công ty Internet quay về giá trị thực bằng 0, khiến đa số nhà đầu tư thua lỗ, phá sản.
Hội chứng FOMO ở Việt Nam được thấy rõ qua làn sóng đầu tư vào chứng khoán năm 2007, vàng và bất động sản vào năm 2008 – 2010. Cứ sau mỗi làn sóng như vậy, FOMO lại khiến các nhà đầu tư không am hiểu mà chỉ nhảy vào bởi sợ bỏ lỡ cơ hội bị thua thiệt.
Có một câu nói nổi tiếng trong giới đầu tư: “Khi thị trường tham lam, đó là lúc nên rời cuộc chơi”. Rất dễ hiểu vì lúc đó vòng quay FOMO – FUD tác động diện rộng lên thị trường, khiến cho thị trường bị bong bóng.
Tóm lại, thị trường càng nhỏ, việc thao túng càng dễ dàng. Đã có nhiều bài báo vạch trần chiêu trò “Pump & Dump” của các cá mập trong cộng đồng. Nên nhớ luôn luôn hoài nghi về những gì bạn đọc được. Tin vào quyết định của chính mình sẽ tốt hơn là lênh đênh trong đại dương với hàng tá lời khuyên từ các nhà đầu tư “dỏm”.
Bài viết thể hiện quan điểm của người viết, nhà đầu tư nên tìm hiểu, trang bị đầy đủ kiến thức trước khi đầu tư. Đầu tư tiền kỹ thuật số hết sức rủi ro, nhà đầu tư nên tìm hiểu thận trọng. Chúc may mắn!