MỤC TIÊU LỢI NHUẬN
Nói đến quản lý rủi ro, mặc dù tôi không quan tâm lắm đến việc thiết lập điểm lợi nhuận mục tiêu, nhưng tôi tin rằng đây vẫn là một điều quan trọng, vì hai lý do:
- Trước hết, nếu bạn là một trader thiếu kinh nghiệm, bạn có thể dễ dàng chốt lời mà không suy nghĩ chín chắn, kỹ lưỡng.
- Thứ hai, ngay cả khi bạn là một trader chuyên nghiệp, khi bạn đã có một ngưỡng chốt lời nhất định, bạn luôn có thể đánh giá lại cách giá tương tác với ngưỡng này và quyết định xem có nên chốt lời hay không, nên đóng lệnh từng phần hay là để mặc cho giao dịch tự chạy.
THIẾT LẬP MỘT ĐIỂM DỪNG
Khi giao dịch trên thị trường Forex hoặc bất kỳ thị trường tài chính nào khác, điều bắt buộc là bạn phải trang bị cho mình một điểm dừng. Nói cách khác, bạn nên quyết định trước mức để cắt lỗ nếu giá không hoạt động như mong đợi. Đó có lẽ là yếu tố quan trọng nhất của trading thành công, bởi vì để bù lỗ, bạn phải nỗ lực gấp đôi. Đừng mạo hiểm hơn 2% số vốn ban đầu của bạn cho mỗi giao dịch.
Chung quy lại, những gì tôi nói từ nãy đến giờ có thể đúc kết trong câu nói: “Cut the loss quickly and let the profits ride” (“Cắt lỗ nhanh chóng và để lợi nhuận tích luỹ”). Càng giao dịch, tôi càng tin rằng đây là lời khuyên quan trọng mà một trader kinh nghiệm có thể đưa cho bạn. Lý do đơn giản mà nhiều trader không hiểu đó là nếu bạn thua lỗ 50% thì bạn phải lãi 100% mới hoà vốn được. Nếu bạn thực sự hiểu ý nghĩa sâu xa đằng sau lời nó, bạn có thể đã là một trader biết điểm dừng của mình nằm ở đâu!
CHẤP NHẬN LỜI ÍT VÀ MẤT ÍT
Tôi thực sự tin rằng các chuyển động giá có tính chu kỳ, lặp đi lặp lại. Có thể vẫn có những khác biệt, nhưng cuối cùng, chính cảm xúc con người mới là nguyên nhân dẫn đến sự hình thành của giá cả và bản chất con người thì không bao giờ đổi thay. Đôi khi, tôi đóng một vị thế trước khi nó chạm mức dừng lỗ hoặc mức chốt lời. Như tôi đã nói trước đó, mặc dù giá có thể di chuyển gần giống với thời điểm trước đó, nhưng nó không hoàn toàn giống nhau. Vì vậy, nếu kinh nghiệm của tôi cho tôi biết rằng có điều gì đó không ổn với cặp tiền Forex (hoặc hàng hoá) mà tôi đang giao dịch vào lúc này, tôi sẽ rời khỏi vị thế ngay lập tức. Không quan trọng bạn đang ở thế thua hay thắng ít. Tốt hơn hết là tôi nên rời khỏi vị thế của mình nếu tôi thực sự tin rằng có điều gì đó sai sai. Như đã nhấn mạnh, ngay cả khi đó là một trade thắng, tôi vẫn không giữ nó, mà chấp nhận “chia tay sớm, bớt đau khổ”. Lý do quan trọng nhất đằng sau hành động này là tôi không chỉ có thể thoát khỏi một trade thua tiềm năng, mà còn có thêm thời gian để tận dụng các lợi thế khác. Bằng cách này, tôi có nhiều thời gian hơn để phân tích môi trường giao dịch một cách hiệu quả và tìm một nơi tốt hơn để bỏ tiền vào.
GIAO DỊCH DỰA TRÊN BẰNG CHỨNG, KHÔNG PHẢI KỲ VỌNG
Hành động giá đã cho tôi thấy tầm quan trọng của việc giao dịch dựa trên bằng chứng chứ không phải kỳ vọng. Rất nhiều trader mới đang mong đợi sự chuyển động giá nhất định trước khi nó hoàn tất hành động của mình. Họ hành động theo bản năng linh cảm và cuối cùng, họ mất tiền. Đối với tôi, điều quan trọng nhất đối với một setup giao dịch là hình thức hoàn chỉnh của nó. Tôi không mua trên kỳ vọng. Nếu một mô hình giá chưa hoàn thiện, tôi chỉ đơn giản là không thực hiện giao dịch này.
BÁM CHẶT LẤY TRADE THẮNG
Nếu một cú trade được thực hiện tuân theo kế hoạch, giúp tôi đạt được mục tiêu lợi nhuận của mình và giá tiếp tục cho tôi thấy xu hướng chính vẫn có lợi cho tôi, tôi sẽ không “tạm biệt” trade này, mà thay vào đó là bám chặt vào nó – miễn là nó vẫn còn hoạt động tốt. Đó là nơi lợi nhuận được tạo ra và phần còn lại của trò chơi là quản lý vốn, mà đúng hơn là quản lý vốn đúng cách.
NGỒI XUỐNG VÀ CHỜ ĐỢI
Một yếu tố quan trọng khác khi giao dịch là khả năng ngồi xuống và chờ đợi. Bạn nên sẵn sàng chờ đợi một thời gian dài trước khi gặp một setup giao dịch phù hợp. Bạn cần tích luỹ càng nhiều yếu tố có lợi cho mình càng tốt. Bạn đừng bao giờ nên hấp tấp nhảy vào mua hay bán. Hãy bình tĩnh, kể cả khi bạn đã bỏ lỡ một setup và hãy chờ đợi setup tiếp theo xuất hiện. Đừng giao dịch quá mức (overtrading), bởi vì trèo cao thì té đau, ông bà ta đã dạy rồi.
RISK:REWARD
Theo nguyên tắc ngón tay cái, một tỷ lệ R:R tốt thường là 1:2 hoặc 1:3. Với thời gian và kinh nghiệm, tôi nhận ra rằng tỷ lệ 1:3 có thể đủ để tạo ra lợi nhuận tốt, nhưng nếu bám chắc vào những trade thắng, bạn thậm chí có thể tạo ra tận 1:15, 1:20 hoặc hơn. Đó là điều mà tôi và các trader chuyên nghiệp vẫn luôn theo đuổi.
Ngay cả với một winrate vừa phải (nếu không muốn nói là nhỏ), thì tỷ lệ R:R là 1:15 vẫn sẽ đặt tất cả tỷ lệ cược có lợi cho bạn và bạn sẽ nhận ra điều đó quan trọng như thế nào trong trading.
BÀI HỌC THỰC TẾ TỪ MỘT TRADER VĨ ĐẠI
Tôi muốn kết thúc bài viết này bằng một câu chuyện đời thực của một trong những trader vĩ đại nhất mọi thời đại – Jesse Livermore.
Một ngày nọ, ông gọi các con trai của mình vào thư viện tại “Evermore”. Ông ngồi sau một chiếc bàn đồ sộ, hai cậu nhóc ngồi xuống trước ông. Ông nghiêng người về phía trước và lấy một xấp tiền từ trong túi ra, sau đó gấp các tờ tiền lại và đưa cho mỗi cậu bé một xấp 10 tờ $1.
Ông nói: “Các con, hãy luôn mang theo tiền được gấp ở bên trong túi quần bên trái. Cứ làm đi. Các con sẽ giữ được tiền của mình”. Các cậu bé đã làm theo, bỏ tiền vào túi quần bên trái của mình.
Sau một thời gian, Jesse gặp các con trai và hỏi: “Các con thấy đấy, những kẻ móc túi thường luôn lấy ví ở túi sau quần của nạn nhân và nhắm vào túi quần bên phải, bởi vì hầu hết mọi người đều thuận tay phải. Đến giờ, các con vẫn ổn chứ?”
Hai cậu bé gật đầu lia lịa, Jesse tiếp lời: “Được rồi, đó là lý do vì sao các con nên gấp tiền và để vào túi quần bên trái. Hãy giữ tiền ở nơi khó đoán và đừng để cho bất kỳ ai đến gần nó – đó là cốt lõi của câu chuyện này”.