I. Lời mở đầu
Ở phần 1 của loạt bài viết với tựa đề “Thợ săn Cá Mập” chúng ta đã biết được bí mật tâm lý đằng sau chiêu trò Pump and Dump của cá mập trong thị trường tiền điện tử. Hôm nay, trong phần 2, chúng tôi sẽ tiết lộ chu trình Pump and Dump của cá mập trong thị trường tiền điện tử. Nắm rõ được chu trình Pump and Dump này, bạn sẽ biết được lúc nào nên tham gia và lúc nào nên đứng ngoài thị trường, nhằm đạt được lợi nhuận tốt nhất và tránh tối đa việc đu đỉnh cũng như thua lỗ.
II. Chu kỳ Pump and Dump của cá mập
Như trong bài viết trước, chúng ta biết được rằng thị trường tiền điện tử vốn dễ bị thao túng và tràn ngập những chiêu trò Pump and Dump để thịt những nhà đầu tư thiếu kiến thức. Tất nhiên là Pump and Dump cũng có chu trình, và thường thì cá mập sẽ chia chu trình này thành nhiều bước như sau :
Bước 1: Gom hàng.
Muốn thực hiện thao túng giá cả của 1 đồng coin, 1 điều hiển nhiên là cá mập phải có số lượng lớn coin đó. Vậy cá mập đã gom coin như thế nào? Thường thì có 3 cách để cá mập gom coin.
- Cách đầu tiên: áp dụng với các cá mập thuộc các tổ chức mining hoặc đầu tư sớm vào dự án. Thông qua 2 hình thức đào coin từ sớm, hoặc mua coin từ những vòng đầu, khi mà đồng coin đó còn chưa nổi tiếng, cá mập sẽ kiểm soát lượng lớn coin với giá rẻ từ giai đoạn này. Tuy nhiên, đây là một phương pháp rất là mạo hiểm và khó nhằn, do không phải lúc nào cũng có những dự án tiềm năng để gom. Vậy nên những cá mập nào sử dụng phương pháp này thường đa phần phải có 1 tiềm lực tài chính cũng như giàu kinh nghiệm về thị trường tiền điện tử.
- Cách thứ 2: để cá mập gom coin, đó là mua số lượng lớn với giá rẻ thông qua các kênh giao dịch trực tiếp. Họ có thể mua từ cộng đồng miner, từ những nhà đầu tư muốn rời bỏ dự án, hoặc thậm chí trực tiếp từ đội ngũ sáng lập của đồng coin đó. Vì họ mua với số lượng lớn, cũng như là mua trực tiếp, cho nên giá gom ở đây sẽ rất là rẻ so với giá thị trường. Tuy nhiên, không phải lúc nào cá mập cũng có thể gom được qua hình thức này, vì đơn giản là không phải lúc nào cũng có đủ số lượng coin trôi nổi bên ngoài như thế để cá mập có thể gom. Muốn thao túng giá cả thành công, cá mập phải có nguồn cung đủ lớn để chắc chắn việc sẽ không có ai có thể “xả” lên đầu mình khi mình Pump coin lên cao được. Điều này dẫn chúng ta đến phương pháp thứ 3, cũng là phương pháp mà các cá mập tiền điện tử dùng nhiều nhất, dẫn đến việc giá cả trên thị trường tiền điện tử luôn bị thao túng, đó là gom trực tiếp trên sàn.
Trên thực tế, đây là phương pháp được cá mập dùng rất nhiều, người chơi cũng biết, nhưng không phải ai cũng nhận ra. Một hiểu nhầm cơ bản của người chơi tiền điện tử đó là cá mập gom tùy tiện ở các vùng giá thấp. Trên thực tế, cá mập lại gom coin chủ yếu tại các vùng giá cao và các vùng kháng cự, nơi mà có nhiều thanh khoản, khối lượng mua/bán cao nhất.
Vì cá mập luôn chơi với 1 khoảng tiền lớn hơn volume của 1 sản phẩm nhiều, vậy nên họ không thể nào mua coin 1 lúc được, sẽ không ai bán cho họ cả. Nếu họ mua thẳng vào tường bán, điều này sẽ đánh động các con Bot khác của các trader thính mũi, và khiến cho giá sẽ bị đẩy lên cao hơn một cách nhanh chóng, mà họ thì luôn muốn mua với giá rẻ nhất có thể.
Chính vì vậy, cá mập sẽ mua tại vùng có nhiều người sợ hãi và muốn bán nhất, một cách từ từ để xem phản ứng của thị trường. Nhìn vào Biểu đồ Bitcoin dưới đây, bạn nghĩ cá mập đã gom Bitcoin tại vùng nào?
Vùng 3,000 này không có volume, tức là không có người bán. Vậy cá mập sao gom?
Nếu bạn nghĩ họ mua Bitcoin tại vùng 3,000 đô la, thì đó là một hiểu lầm cơ bản. Vùng này là vùng có volume cực thấp, và nếu họ mua quá nhiều, giá sẽ nhanh chóng bật lên ngay lập tức. Thay vào đó, cá sẽ “vẽ chart”, hình thành 1 vùng kháng cự tại 4,000, và liên tục ép giá xuống dưới vùng này trong 1 khoảng thời gian dài. Nhờ đó, trong tâm lý của đa phần Trader, vùng 4,000 thành một vùng kháng cự mạnh, một mốc tâm lý quan trọng mà ở đó tâm lý người chơi sẽ bán theo thói quen.
Rồi một hôm đẹp trời, sau khi số lượng người muốn bán đã vừa đủ, cản 4,000 lập tức được đẩy qua, đi kèm theo là tin một người nào đó đã chi 100 triệu đô la mua Bitcoin làm giá tăng mạnh. 100 triệu đô la tương đương với 25,000 Bitcoin, một con số tương đối lớn với số lượng Bitcoin đang được giao dịch hàng ngày. Mình vẫn còn nhớ thời điểm đó, hầu hết người chơi đều bán ra vì nghĩ rằng đây chỉ là tin để Pump and Dump. Theo thói quen hành vi,mốc 4,000 – 5,000 đô la đã trở thành một mốc kháng cự khó nhằn trong tâm lý người chơi. Tuy nhiên trên thực tế, mọi thứ mới chỉ đang là bắt đầu. Lúc này, cá mập sẽ tiến hành bước thứ 2: Đẩy giá.
Bước 2: Đẩy và giữ giá
Đây là bước đơn giản nhất, tuy nhiên cũng là bước tốn nhiều tiền nhất. Muốn bước đẩy giá này thành công, cá mập phải thu hút được số lượng vừa phải Trader có kiến thức. Và cách nhanh nhất để thu hút họ, đó là vẽ 1 chart với xu hướng lên mạnh và bền vững.
Tại bước đẩy giá này, phương pháp chính cá mập hay sử dụng đó chính là liên tục tạo đáy sau cao hơn đáy trước. Đây là dấu hiệu điển hình cho xu hướng tăng, và giới đầu cơ thì thường chỉ vào tiền sau khi xu hướng tăng được xác định.
Cấu trúc liên tục tạo đáy sau cao hơn đáy trước của Bitcoin, khi H4 của Bitcoin liên tục được giữ trên đường MA200.
Thường thì việc đẩy và giữ giá là một việc vô cùng tốn kém, tuy nhiên bước này sẽ bớt tốn kém hơn nếu như cá mập đã gom đủ lượng lớn coin ở bước đầu. Khi mà họ đã kiểm soát tối đa nguồn cung, sẽ không có một lực bán đủ mạnh ở các mức giá cao nữa.
Trong quá trình đẩy giá này, thường cá mập sẽ đẩy qua các cản quan trọng, và cũng là những cản nhiều thanh khoản nhất. Trong thị trường tiền điện tử, quy trình đẩy giá sẽ diễn ra rât nhanh, mạnh và không có điều chỉnh, nhằm tạo sự FOMO lớn cho cộng đồng. Đã bao nhiêu lần bạn liên tục bán, rồi phải mua lại ở mức giá cao hơn và đu đỉnh sau đó? Bạn hiểu ý mình rồi đó. Tuy nhiên đây không phải là bước quan trọng nhất trong các bước cá mập dùng để “lái” tiền điện tử. Bước mình đánh giá quan trọng nhất, đó là bước Marketing, một trong những khâu mà trader bình thường ít ai để ý tới, nhưng lại chiếm vai trò quan trọng trong toàn bộ quy trình này.
Bước 3: Marketing
Một trong những câu hỏi luôn làm các trader mới bỡ ngỡ, đó là “tin đi theo giá” hay “giá đi theo tin”?
Câu trả lời của mình, đó là với thị trường tiền điện tử, giá với tin là một. Tin đi ra để đẩy giá lên và xuống. Chấm hết. Và thực tế, hầu hết các tin mà các bạn đọc được trong thị trường tiền điện tử đều là cạm bẫy.
Chúng ta hãy case study một trong những chiến dịch thành công nhất của thị trường tiền điện tử, một cái tên từng nổi đình nổi đám ở Việt Nam để biết rõ hơn nhé. Cái tên mà mình đang nhắc đến là CMT – Cybermiles.
Những nhà đầu tư nào từng đi qua năm 2018, đều đã biết về một cái tên từng làm mưa làm gió trên khắp các phương tiện truyền thông, đó là Cybermiles, với mã là CMT. Ở Việt Nam, CMT cũng rất nổi tiếng với việc cho nhiều nhà đầu tư đu đỉnh từ hold coin cho đến đu đỉnh mua máy đào.
Từ tháng 3 cho đến tháng 5 năm 2018, CMT có một cú tăng tốc phi mã, từ 800 satoshi lên hơn 6,000 satoshi, tức là gấp 7.5 lần trong vòng 2 tháng ( chưa tính lãi kép do Bitcoin tăng). Và cùng giai đoạn đó, hàng loạt tin tốt về CMT được đưa ra. Ví dụ như tin này, khi CTO, giám đốc kỹ thuật của Huobi cho rằng mỗi dòng code của CMT trị giá 3 triệu đô la. Hay là tin Cybermiles hợp tác với tỷ phú Mark Cuban để chấp nhận CMT vào việc mua vé xem bóng bầu dục. Tất nhiên, những tin tức này được đưa ra 1 cách có tính toán, và mục đích phục vụ chủ yếu vào việc Marketing cũng như là tạo Fomo cho chiến dịch Pump/Dump CMT của cá mập.
Khi 1 đồng coin bắt đầu đi vào giai đoạn Marketing, đó cũng là lúc mà chu kỳ bơm của nó chuẩn bị đi đến hồi kết. Trong giai đoạn này, cá mập Marketing chủ yếu để dụ những nhà đầu tư thiếu kiến thức vào Fomo ở mức giá cao. Đây cũng là bắt đầu của sóng 5 Elliot, sóng “lợn gà” FOMO, khi mà giá được đẩy cao hơn nhưng phân kỳ bắt đầu xuất hiện trên Indicator lẫn Volume giao dịch.
Phân Kỳ thường xuất hiện tại bước cuối của chu kỳ đẩy giá
Đặc điểm chung của giai đoạn này, đó là tất cả mọi người đều có quan điểm lạc quan về tương lai của đồng tiền điện tử, đến mức phi lý. (CMT giai đoạn này được đồn đoán là sẽ có giá 2 đô la đến cuối năm). Đây cũng là giai đoạn mà nhiều nhà đầu tư nghĩ đến việc hold to die nhất. Nhưng buồn 1 chỗ, sau khi cá mập Marketing xong, thường thì họ sẽ áp dụng luôn bước tiếp theo, đó là bước Dump và Exit.
Bước 4: Dump và thoát hàng
Trong thị trường tiền điện tử, có một câu nói mà mình rất thích: Một khi nó lên nó sẽ lên tận trời, và một khi xuống nó sẽ xuống dưới tận vực.
Nhìn vào hình trên sẽ thấy, sau khi chu trình bơm của cá mập đã hoàn thành, CMT ngay lập tức bị xả một cách không thương tiếc. Khối lượng xả dần đều và rất lớn, cho thấy cá mập gần như đã Dump xong toàn bộ số token mà họ gom được.
Người chơi nên nhớ một điều, cá mập không cần phải mua ở đáy và bán ở đỉnh. Trên thực tế, họ mua nhiều nhất trên đường lên, và bán nhiều nhất ở đường xuống.
EGT, 1 trường hợp khác của sự Pump and Dụmp quá đà. Đố bạn biết, cá Dumở đâu?
Và bây giờ, khi họ đã tạo đủ thanh khoản tại bước 2 và 3, công việc của họ bây giờ chỉ đơn giản là bán cho những tay chơi khờ khạo muốn mua với hy vọng ăn được 1-2 con sóng hồi lẻ tẻ. Tuy nhiên, thường thì với thị trường tiền điện tử, sóng hồi không xuất hiện tại những pha Pump and Dump như này. Và khi nào bạn thấy một đồng coin liên tục đi xuống, với đỉnh sau thấp hơn đỉnh trước, thì tức là cá mập đang xả rồi đó. Và nếu lỡ chẳng may bạn mua tại đâu đó không phải đáy, xin chúc mừng bạn đã đến với “Câu lạc bộ đu đỉnh”.
III. Lời kết
Những gì các bạn vừa đọc, là một chu trình Pump and Dump điển hình của thị trường tiền điện tử. Trên thực tế, quy trình này còn có tên gọi là Market Maker (tạo lập thị trường). Trên quan điểm cá nhân, cho dù khắc nghiệt và đã reo rắc nhiều tang thương cho thị trường tiền điện tử, nhưng quy trình này là vô cùng cần thiết cho thị trường. Tại sao ư? Hãy thử nhìn thị trường những ngày gần đây khi không xuất hiện bất kỳ chu trình nào như thế này, bạn sẽ hiểu. Có vẻ như cá mập đã rời khỏi thị trường tiền điện tử trong giai đoạn này mất rồi. Và đây là 1 điều không thể nào tệ hơn.
CryptoHub.vn