Bài này tôi đề cập đến trend line, những cách dùng căn bản nhất nhưng rất thường xuyên anh em thấy xuất hiện trong đồ thị. Những ví dụ của tôi cũng hoàn toàn sử dụng trong đồ thị BTC/USD rất gần gũi, mà cũng là những kinh nghiệm thực chiến gần đây tôi dùng để vào lệnh.
Trend Line là gì?
Trend Line là đường xu hướng, nó chỉ đơn giản là đường thẳng giúp anh em nhận định gần đúng xu hướng của giá trong khung thời gian tương ứng. Điều cần thiết để hình thành một đường thằng là có hai điểm. Nếu trend line được kẻ bởi hai điểm nằm ở vùng giá mà khi chạm đến nó sẽ down thì mình gọi là đường kháng cự, ngược lại, nếu trend line được kẻ bởi hai điểm nằm ở vùng giá mà khi chạm đến nó sẽ bật lên thì mình gọi là đường hỗ trợ. Thế nhưng trên thực tế anh em sẽ thấy trên trend line không chỉ có hai điểm mà có rất nhiều điểm, thực ra chỉ cần tối thiếu 2 điểm là anh em có thể vẽ được một trend line. Nhưng cũng cần có thêm điểm thứ 3 và nhiều điểm sau đó để đảm bảo trend line này hiệu nghiệm. Và bởi vì tính chất của nó là thể hiện xu hướng, nên không nhất thiết nó cứ phải nằm ngang.
Vẽ trend line thế nào cho đúng?
Khi vẽ trend line anh em cần chú ý, một trend line hoàn chỉnh cơ bản sẽ có ít nhất (chứ không phải tối đa) là ba điểm.
- Điểm bắt đầu (The Initiating Point)
- Điểm xác định (The Confirming Point)
- Điểm hiệu nghiệm (The Validating Point)
Một số anh em newbie vẽ trend line mà sử dụng đồ thị hình nến thì thường vẽ ngay tại giá đóng cửa và giá mở cửa, nghĩa là bỏ qua phần râu nến. Vẽ như vậy là không chính xác đâu. Anh em phải bao gồm luôn tại giá thấp nhất hoặc giá cao nhất. Ngoài ra, anh em cũng không thể đòi hòi “sự thẳng hàng tuyệt đối” giữa ba điểm này, đó là lý do mà tôi sử dụng chữ “vùng giá” ở trên. Tuy nhiên cần nhớ, sự sai lệch lớn sẽ khiến giá ra khỏi trend line và hình thành một xu hướng khác.
Điểm bắt đầu: là khi anh em chưa dò được tương lai giá sẽ đi về đâu? Giả sử giá đang vạch ra một đỉnh mới hoặc một đáy mới mà không có một dữ kiện nào phù hợp trong quá khứ để kết nối nhằm kẻ trend line, thì anh em cần chờ đợi điểm thứ hai tức là điểm xác định để kẻ được trend line.
Điểm xác định: là khi giá đã khi thêm một đoạn nữa, và vạch thêm một đỉnh hoặc đáy mới cao hơn hoặc thấp hơn, thì anh em đã có đủ dữ kiện để thực hiện bài toán đơn giản, kẻ một đường thẳng giữa hai điểm bắt đầu và điểm xác định.
Điểm hiệu nghiệm: đây là điểm mà anh em bắt đầu dự đoán cơ bản nhất của mình giá sẽ đi về đâu nương theo trend line. Nếu nó thực sự hiệu nghiệm, thì việc vào lệnh của anh em trở nên hiệu quả. Điểm hiệu nghiệm có đặc điểm là nó có thể sẽ xuất hiện liên tục trên trend line cho đến khi nó không còn “hiệu nghiệm”, nghĩa là giá phá trend để mở ra một xu hướng khác.
Giả sử vừa rồi BTC down về 7k2, anh em không cần biết quá nhiều kiến thức nâng cao như ichimoku … này nọ, anh em chỉ cần kẻ một đường trend line là thấy được. Dĩ nhiên không có cái gì là chính xác tuyệt đối, nhưng ít ra anh em cũng có căn cứ để có thể bắt đầu quan sát mà chia vốn vào lệnh.
Nguyên tắc ít nhất 3 điểm này cũng tương tự trong xu hướng lên, và nó đúng với mọi khung giờ, giả sử ở ví dụ sau trên khung D1.
Mẹo của tôi để kẻ cho chính xác trend line đi qua những điểm này là thay đổi đồ thị hình nến thành dạng đồ thị hình thanh (bar), khi đó anh em sẽ thấy được giá đáy và giá đỉnh rõ ràng hơn. Kẻ xong rồi thì chuyển lại thành dạng nến.
Nên vẽ trend line trong khung giờ nào?
Nhiều anh em nghĩ rằng, xu hướng trong khung giờ nhỏ sẽ là sự dự báo sớm trong khung giờ lớn. Thực ra nghĩ như vậy cũng có cái lý của nó. Nhưng điều đó rất hiếm khi xảy ra, chỉ những vùng nhạy cảm của thị trường, ngoài ra nhận biết được nó cũng đòi hỏi kỹ năng cao hơn. Thế nên để đảm bảo, anh em nên nhớ: áp lực của xu hướng lớn sẽ chi phối xu hướng nhỏ, điều này đúng với mọi chỉ báo kỹ thuật.
Do đó, bài học rút ra ở đây, là anh em nên tích cực vẽ trend line từ lớn tới nhỏ, để có được cái nhìn bao quát nhất, để không “thiển cận” mà vào lệnh vội vàng.
Ở bài sau, tôi sẽ hướng dẫn anh em một vài mô hình của trend line cùng với chiến thuật vào lệnh, và một vài cái bẫy mà trend line đem lại.
Mmoers.com